Khi mà mọi phương pháp tối ưu hóa phần cứng cũng như phần mềm cho hệ thống máy tính của bạn đều không còn tác dụng, hãy tính tới việc nâng cấp cho hệ thống của bạn. Nhưng một điều khó khăn hơn cả, nâng cấp gì để hệ thống hoạt động tốt hơn?
Nếu không tính tới trường hợp 1 trong số các linh kiện của bạn bị hỏng, chúng ta có rất nhiều lựa chọn trọng việc nâng cấp máy tính. Ram, Card đồ họa, ổ cứng lưu trữ, CPU hay thậm chí là nâng cấp phần mềm đều có thể mang lại hiệu quả cho hệ thống của bạn, tuy vậy, nâng cấp cái gì mang lại hiệu quả nhất mới là vấn đề mà chúng ta quan tâm.
Trả lời cho câu hỏi này, còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người.
1. RAM
Nâng dung lượng RAM là cách dễ dàng nhất để tăng tốc máy tính của bạn, chắc chắn luôn!
Giá của bộ nhớ RAM ở thời điểm hiện tại rất rẻ, giá RAM đã giảm mạnh khoảng 40% so với hồi đầu năm nay. Về hiệu năng, trong hầu hết các trường hợp, hệ thống tỏ ra chậm chạp nếu bạn chạy nhiều tác vụ cùng lúc, đó là thời điểm RAM bị tiêu tốn nhiều nhất. Khả năng đa nhiệm của máy tính phụ thuộc khá lớn vào RAM, và nếu bạn vừa chơi game, vừa lướt web, vừa xem phim (sử dụng nhiều màn hình), hãy đảm bảo dung lượng RAM bạn có đáp ứng được từng ấy tác vụ một lúc.
RAM là giải pháp nâng cấp đơn giản nhất cho máy tính.
Ở thời điểm hiện tại, 8GB RAM là khá đủ cho một cấu hình trung bình. Bạn sẽ không cần nâng cấp thêm nếu chỉ sử dụng máy tính làm các công việc nói trên, và không bao giờ dùng tới các công việc như biên tập video hay một số tác vụ thiết kế khác. Tạm coi 8GB RAM là 1 mức an toàn mà máy tính của bạn nên có, nâng cấp từ 2Gb hay 4GB RAM chỉ tốn khoảng 700.000 đồng cho tới 1,2 triệu để có đủ RAM cho hầu hết các tác vụ, quá rẻ nếu so với nhiều linh kiện máy tính khác.
Nhưng cũng đừng tiếc nếu bạn có đủ điều kiện để nâng con số đó lên 16GB hay 32GB, dù không nhiều nhưng dung lượng RAM "thừa thãi" sẽ giúp máy tính của bạn mát và bớt tốn điện hơn. Đây không hẳn là 1 lời khuyên, bởi chúng ta đang tìm kiếm giải pháp nâng cấp phần cứng tối ưu đúng không?
2. Card đồ họa
Khác với RAM, VGA thường không có những giới hạn nhất định, nó phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng, mà ở đây hầu hết là game thủ.
Khi một tựa game mới ra mắt, bạn thậm chí không thể chơi nổi trò chơi này khi thiết lập ở mức đồ họa thấp nhất, đó là lúc bạn cần nâng cấp Card đồ họa. Dĩ nhiên, trong những trường hợp như vậy, nhiều thành phần khác như RAM hay CPU cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng tới trải nghiệm chơi game, hãy chắc rằng toàn bộ hệ thống máy tính của bạn không quá cũ trước khi quyết định nâng cấp riêng lẻ một thành phần nào đó.
Có 2 trường hợp khi bạn phân vân mua cho mình 1 chiếc card đồ họa mới. Có thể trước giờ chỉ sử dụng đồ họa tích hợp ngay trên CPU (Ví dụ như HD4000 của Intel chẳng hạn), hoặc VGA của bạn đã quá cũ.
Các sản phẩm VGA cao cấp mang lại hiệu năng tuyệt vời, nhưng giá thành không hề rẻ.
Với trường hợp đầu tiên, đừng suy nghĩ, hãy nâng cấp ngay một card đồ họa mới, bởi công nghệ đồ họa tích hợp hiện nay của Intel hay AMD vẫn còn thua xa các VGA rời. Phần nào đó, đồ họa tích hợp vẫn được một số trò chơi hỗ trợ, nhưng muốn trải nghiệm siêu phẩm thì quên đi. Nhiều người thường bị "dung lương đồ họa" đánh lừa, đặc biệt là trong trường hợp nó nhận chia sẻ từ bộ nhớ RAM, dung lượng đó không hề giúp khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ hơn.
Còn nếu muốn thay thế VGA hiện tại bằng VGA mạnh mẽ hơn, đảm bảo rằng CPU của bạn đủ mạnh để "cân" chiếc Card mới. Trong nhiều trường hợp, một "đôi đũa lệch" sẽ khiến hệ thống bị "nghẽn cổ chai". Ngoài ra, một bộ nguồn tốt cũng rất cần trong trường hợp bạn nâng cấp Card đồ họa. Đồng thời, Card đồ họa là 1 phần khá đắt tiền trong hệ thống máy tính, thường một VGA đủ mạnh có thể sử dụng khoảng 3 năm mà không sợ lỗi thời, vì thế bạn nên mua cho mình mẫu VGA "tương đối" một chút để sử dụng lâu dài.
Một số trang web như GPUboss hay Tomhardware có thể giúp bạn so sánh tương quan của VGA cũ và chiếc mình định mua.
Lưu ý: nếu bạn là người làm việc trong lĩnh vực đồ họa, hãy cân nhắc chọn mua các dòng sản phẩm thiết kế riêng cho các tác vụ đồ họa, điển hình là dòng card Quadro của NVIDIA.
3. Ổ cứng
Bạn đang dùng HDD ư? Mua thêm một chiếc SSD đi nhé!
SSD có lẽ trả lời ngay được câu hỏi của tiêu đề bài viết này. Nó là món linh kiện giúp hệ thống của bạn "lột xác" hoàn toàn. Bật máy nhanh hơn, mở trình duyệt nhanh hơn, không còn phải khó chịu với các lỗi như "100% Disk" trên Windows, đó là một số trong rất nhiều lợi ích khi bạn dùng SSD thay cho HDD.
Các ổ HDD thông thường với tốc độ quay khoảng 5400 - 7200 vòng mỗi phút, mang lại tốc độ đọc / ghi tương đương khoảng 100 - 150MBps, trong khi đó SSD có tốc độ lên tới 500MBps. Với tốc độ này, cài đặt hệ điều hành và các ứng dụng lên SSD sẽ mang lại lợi ích cực lớn cho toàn bộ hệ thống nói chung, và các tác vụ nhỏ nói riêng.
Ổ HDD truyền thống thua xa SSD nhé!
Trong mọi trường hợp, dù hệ thống của bạn cũ hay mới, chỉ cần mainboard hỗ trợ chuẩn SATA 2 hoặc 3, đừng suy nghĩ mà hãy mua ngay SSD khi có thể. Dĩ nhiên, vẫn cứ giữ lại ổ HDD cũ như một ổ lưu trữ phim, nhạc và game, điều này sẽ tiết kiệm tiền cho bạn tránh phải mua một SSD dung lượng cao, đồng thời cũng giúp tăng tuổi thọ cho SSD.
4. Vi xử lý
Trước hết, trong danh sách này sẽ không đề cập tới việc nâng cấp Bo mạch chủ, nhưng ai cũng hiểu tầm quan trọng của phần cứng này trong mỗi hệ thống máy tính. Đảm bảo rằng, khi bạn xây dựng một cấu hình máy tính mới, hãy coi trọng và chọn một Mainboard tốt, bởi các linh kiên khác có được hỗ trợ và hỗ trợ tốt tới đâu phụ thuộc rất nhiều vào bo mạch chủ này.
Về phần nâng cấp vi xử lý cho máy tính, thường thì đây là linh kiện đắt nhất trong một hệ thống máy tính tốt, điều đó không có nghĩa bạn không thể lựa chọn các dòng sản phẩm giá rẻ. Hiện nay Vi xử lý của Intel đang thống lĩnh thị trường máy tính cá nhân, bởi vậy tôi sẽ dùng các sản phẩm của Intel để làm ví dụ trong bài viết này.
Thế hệ CPU mới nhất hiện tại của Intel là Skylake, được đánh giá cực cao và hiệu năng mang lại hơn hẳn Haswell hay Ivy trước đó. Giống như các thế hệ trước, Skylake cũng có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ Pentium G cho tới Core i3, i5 và i7, tùy phân khúc giá tiền mà hiệu năng của chúng mang lại là khác nhau.
Muốn nâng cấp CPU, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng và lưu ý một số yếu tố liên quan.
Sẽ có 2 trường hợp người dùng nâng cấp CPU, nâng cấp lên thế hệ CPU mới hơn, hoặc lên đời một sản phẩm thuộc phân khúc cao hơn.
Ví dụ 1: tôi đang sử dụng bộ vi xử lý Core i3 3220 thế hệ Ivy của Intel, và cảm thấy khá ấn tượng với khả năng ép xung CPU non-K của thế hệ Skylake, tôi quyết định mua Core i3 6100. Một sự nâng cấp như vậy dẫn tới thay đổi về socket, với Ivy là socket 1155 còn Skylake là 1151. Mỗi thế hệ CPU sẽ có các sản phẩm bo mạch chủ tương ứng, sử dụng các chipset khác nhau, vì thế, khi nâng CPU lên 1 thế hệ mới hơn, hãy kiểm tra xem socket 2 đời có khác biệt hay không.
Lên một CPU thế hệ mới mang lại nhiều lợi ích về hiệu năng cho tới khả năng sử dụng điện năng. Việc nâng cấp thường xuyên các thế hệ CPU là không thực sự cần thiết, bởi nó tiêu tốn của bạn thêm 1 khoản cho Mainboard. Nhưng sự nâng cấp này cũng mang lại nhiều thứ, như hỗ trợ các phần cứng khác đặc biệt là RAM tốt hơn. Nếu CPU và Mainboard của bạn đã "quá già", hãy mua 1 combo mới cho hệ thống của mình với các thế hệ mới hơn.
Ví dụ 2: tôi đang sử dụng Core i3 3220, do nhu cầu công việc yêu cầu xử lý video nhiều hơn, tôi quyết định mua Core i7 3770. Ở trường hợp này, Core i7 3770 vẫn thuộc thế hệ Ivy sử dụng Socket 1155 của Intel, nhưng như ai cũng biết, sức mạnh của nó hơn i3 rất nhiều. Một số trường hợp khác, việc lựa chọn vi xử lý Xeon E3 cũng rất tốt, mặc dù đây là CPU dành cho các máy chủ nên không có đồ họa tích hợp.
Việc lên đời CPU mạnh hơn cùng thế hệ đảm bảo sẽ mang lại hiệu năng đột phá cho hệ thống, đặc biệt trong các tác vụ yêu cầu tốc độ xử lý cao như xuất nội dung media. Ngay cả các tác vụ nhẹ nhàng như lướt web cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ tốc độ của vi xử lý. Lên đời cho CPU trong trường hợp này chỉ nên khi bạn cần một CPU mạnh mẽ hơn hẳn để xử lý các tác vụ nặng, hoặc một "người tình hoàn hảo" cho chiếc VGA khủng mới sắm. Việc lên đời này thường khá tốn kém khi bộ vi xử lý cao cấp như Core i5, Core i7 và Xeon E3 thường đắt hơn nhiều so với Pentium G và Core i3, nhưng bạn sẽ không phải chi thêm 1 khoản cho mainboard mới.
5. Phần mềm
Nâng cấp phần mềm cũng là 1 giải pháp rất tốt để nâng cao hiệu năng của hệ thống. Các phiên bản hệ điều hành mới như Windows 10 hay Macintosh El Capitan 10.11 có nhiều nâng cấp về cả tính năng lẫn hiệu năng. Cùng một hệ thống phần cứng, nhưng với một phiên bản hệ điều hành tốt hơn, trải nghiệm sử dụng sẽ được nâng cao.
Tội gì không nâng cấp một phiên bản hệ điều hành mới hơn?
Tuy nhiên, nâng cấp phần mềm cũng là con dao 2 lưỡi, nó có thể giúp hệ thống của bạn chạy nhanh hơn, và cũng có thể là chậm đi. Một số hệ điều hành mới đòi hỏi nhiều phần cứng hơn, khiến mọi thứ trở nên vô cùng tệ hại khi bạn đã chót nâng cấp. Vậy nên, nếu hệ điều hành của bạn không gặp lỗi, và đã xác định được nguyên nhân tới từ phần cứng của mình, hãy giữ nguyên hệ điều hành đang sử dụng và chọn mua phần cứng theo các mục ở trên.
Hiện nay, việc nâng cấp hệ điều hành có thể tốn của bạn 1 khoản phí nhất định, nhưng nó cũng rất xứng đáng với số tiền mà bạn bỏ ra.
6. Một số yếu tố khác
Các linh kiện như bo mạch chủ, nguồn, vỏ case cũng rất quan trọng. Bo mạch chủ là xương sống, còn nguồn không khác gì một trái tim trong hệ thống của bạn. Luôn đảm bảo rằng các linh kiện này hoạt động tốt và đủ khả năng tải các phần khác của máy tính. Hãy mua 1 bo mạch chủ tốt ngay từ khi xây dựng dàn máy của mình, nó sẽ hữu ích nếu bạn muốn nâng cấp các phần cứng sau này, với nguồn, một bộ nguồn đạt tiêu chuẩn công suất thực 80+ là vô cùng quan trọng.
Các thiết bị ngoại vi tốt hơn chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm khi sử dụng của bạn.
Ngoài ra, một số thiết bị ngoại vi khác như màn hình, chuột, bàn phím hay loa có lúc bạn muốn mua mới chúng, chúng tôi sẽ gửi tới bạn các bí quyết trong một bài viết khác.
Ghi nhớ rằng không có sự nâng cấp nào là hoàn hảo
Như vậy, để có được một hệ thống tốt hoàn hảo, bạn cần nhiều RAM hơn, cần SSD thay cho HDD, một Card đồ họa mạnh mẽ, hay CPU tân tiến? Không gì trong số này có thể làm được điều đó.
Một máy tính cá nhân tốt là chiếc máy hoạt động ổn định, tiêu thụ điện năng hiệu quả và trên hết là đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng. Nếu thiết bị của bạn thiếu đi 1 mắt xích trong đó, hãy xử lý nó trong khả năng tài chính của mình. Đặc biệt, bạn cần trang bị thêm kiến thức cho bản thân để có thể nắm được "nhịp thở" của cả hệ thống, biết được đâu là điểm yếu và đâu là điểm mạnh để phục vụ cho nhu cầu giải trí và làm việc của chính mình.