P13 - Ai hat giua rung khuya

Filled under:



ÐÈO Ô QUÍ HỒ

Trên con đường từ Chapa qua Phong Thổ, một đoàn khách dừng chân nghỉ giữa con đèo Ô Quí Hồ. Ðoàn hành khách có mười hai người: một người đàn bà và một người con gái bé ngồi ghế đăng sơn một người con trai cưỡi ngựa, còn bao nhiêu là phu khiêng ghế và tải đồ đạc cả.

Hỏi ra mới biết người đàn bà đó là bà Tri Châu Phong Thổ, chồng vừa ra đất ấy phóng nhậm được ít lâu nay. Ðứa con gái bé là con bà, người con trai là cháu bà. Ðoàn phu để chiếc ghế đăng sơn ở chỗ có bóng mát, rồi họ tản mác ngồi mỗi người ở một gốc cây để nghỉ chân dưỡng sức. Bà Tri Châu lúc ấy giở tráp trầu ra ăn một miếng, trông bà có vẻ buồn rầu lo lắng, nhưng vẻ lo buồn không làm thế nào át được sắc đẹp dịu dàng sắc so của bà. Bà ăn mặc cực kỳ diễm dắn, nền nếp, không đeo lắm vàng ngọc, không đánh phấn thoa son; song càng ngắm bà càng thấy có duyên, càng bị say đắm vì đôi con mắt mơ mộng của bà, đôi mắt đăm đăm nhìn vào khoảng chân trời xa thẳm.

Lúc ấy khoảng ba giờ chiều. Bóng nắng xê xế, trên đường rừng mát mẻ dễ chịu lắm. Người thiếu niên đi ngựa buộc con vật đỡ chân của chàng vào một gốc cây rồi đi dạo quanh quẩn ngắm nhìn vẻ đẹp lộng lẫy tươi thắm của ngàn nội. Tụi phu có vẻ mệt nhọc, vì họ đã tất tưởi cả ngày rồi, ai ai cũng nhân dịp lúc dừng chân mà quạt mồ hôi, và nghỉ ngơi cho lại sức. Họ để các rương hòm rải rác dọc đường, núi, rồi ngồi phanh ngực ra mà quạt, có người thì dựa vào gốc cây, vách đá mà lim dim ngủ, chả ai để ý đến chiếc đăng sơn để ngay sát rìa núi trước mặt bãi sậy rườm rà.

Bỗng đâu, một tiếng la to làm cho mọi người hoảng hốt đứng cả dậy, rồi đến tiếng khóc, rỗi đến một lời kêu the thé vang lùng trong rừng sậy đưa ra:

- Cháu Tiêu ơi! Cháu nhớ lấy lời cô đó!

Xong, im bặt. Cả đoàn ùa lại mé đăng sơn. Cô bé con nằm chết ngất, ngoẹo đầu dựa vào thành ghế, còn bà Tri Châu đã biến tự lúc nào rồi. Dưới đất, ngay chỗ đăng sơn, có vết bốn cái vuốt in sâu xuống cát. Ðoàn phu nhận ra đó là dấu chân hổ. Thì ra bà Tri Châu đã bị hổ cắp tha đi!

Bà Tri Châu đó là Oanh Cơ. Ngày nay, theo đúng nghiệp số của nàng, nàng phải theo hai anh chị chết dưới vuốt thiêng loài mãnh thú. Con hổ này rình nàng từ lâu lắm, nó định bắt nàng đi đã mấy năm nay rồi! Bới chưa có dịp nào, nó đành phải đợi sau khi bắt hụt nàng một phen ở Ðồng Giao. Tra khảo anh chị nàng, nó biết nàng tất phải qua đèo Ô Quí Hồ vì theo chồng ra Phong Thổ. Nó phục trong bụi lau đợi nàng ở đó. Ngày giờ nàng đã đến, số kiếp nàng đã tận, nàng bị nó nhảy xô ra ngắm chặt lấy lôi đi, giữa khi cháu nàng và các phu phen đều vô ý mỗi người chăm chú vào việc riêng của mình.

Ðời Oanh Cơ thế là đoạn tuyệt; nàng vừa ra khỏi kịch trường mà nàng đã đóng một vai đào thương hết sức bi ai. Nhưng kỷ niệm của nàng mãi mãi vẫn không bị ám mờ trong lớp bể dâu; hình bóng nàng còn sống trong tâm hồn con nàng và cháu nàng, trước khi nhắm mắt lìa đời, nàng đã tìm ra được một bí mật: là chồng cũ nàng, Lê Trọng Việt không phải bị các quan tòa lầm lẫn bắt buộc vào tội chết, mà chính là kẻ thù đã thêu dệt đã bịa đặt ra nhiều chuyện để xui giục quan tòa hạ bút phê án tử hình! Kẻ thù ấy, độc địa thay! Lại là thầy Thông, người đã cùng nàng gá nghĩa sau này! Cậu ấm Lê Trọng Việt chết được 3 năm, nàng nghe lời đường mật của thầy cùng thầy đánh bạn. Nàng về nhà thầy được 3 năm thì thầy bổ đi Bắc Cạn, rồi được 2 năm nữa, thầy thăng Tri Châu, lên phó nhậm ở Phong Thổ. Trong khi chung chạ, nàng nhận ra thầy Thông là người gian trá xảo quyệt, chỉ có vẻ ngoài niềm nở lịch sự, mà thực tình trong lòng chứa đầy các kế độc, mưu sâu, nàng nhận được rằng thầy là kẻ tham lam bôn tẩu, tìm hết cách hại nhân thắng kỷ, một là để ăn tiền cho giàu có, hai là để chóng cao thăng. Thầy đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu nhân vật điêu linh, thế mà không tỏ vẻ gì hối hận cả, lại còn đắc ý là đàng khác. Những giờ chăn gối, nàng có ý gợi câu chuyện chồng cũ, than vãn sao kẻ kia vô tội mà đến nỗi bị quan trên khép vào án tử hình. Nghe nàng căn vặn thầy Thông cứ ầm ừ không trả lời sao cả; mãi lâu lắm, lâu lắm, một đêm mà trời đất lạnh lùng buồn tẻ, một đêm mà hoàn cảnh như gợi lòng người phải mở phanh cho tâm sự lọt ra, thầy Thông mới khe khẽ rỉ tai nàng, bằng một giọng trầm trầm, ngần ngại:

- Sở dĩ tôi yêu mợ quá, nên buộc lòng phải làm như thế! Ðáng lý ra, anh em họ Lê không đến nỗi chết, chỉ phải tù tội mà thôi; tôi có nói thêm vào nên họ mới bị xử trảm. Song ngẫm ra đến ái tình là hết, tôi có quý thương mợ, nên mới gây ra tội ác ấy; không thì sao có ngày nay?

Từ khi nghe lời thú nhận của thầy Thông, Oanh Cơ coi thầy như con vật dữ, ngoài mặt nàng không lộ ra vẻ gì giận dỗi căm tức cả, nhưng trong lòng nàng chứa chất một khối oán hận tầy đình. Nàng oán thầy khẩu Phật tâm xà, làm hại người ngay thẳng để quyến rũ vợ người ta mà vẫn nhơn nhơn vui vẻ, hình như không coi việc ác của mình là một sự xấu xa. Nàng trót đã lấy thầy, không nhẽ giết thầy để rửa hận cho người đã thác; vả có giết thầy chăng nữa, cũng không đủ trả thù rửa oán; tội thầy đáng phải hình phạt một cách tàn nhẫn, độc địa sâu cay hơn, hình phạt thế nào cho thầy sống cũng như chết, ăn mất ngon, ngủ mất yên, đêm ngày tâm trí lo sợ, hối hận, hai mắt dù mở dù nhắm, cũng thấy những cảnh mất đầu đổ máu tự tay thầy đã gây nên. Như thế, may ra mới xứng đáng! Nàng muốn tìm một kế báo thù như thế, nhưng thời gian thấm thoắt, nàng chưa tìm được kế gì. Có lắm lúc mối oán hận trong lòng như sóng nước chơi vơi, tràn lên tới cổ, nàng muốn chém thầy ngay, đầu độc thầy ngay, song chợt nghĩ đến đứa con thơ, nàng lại nén dằn khối lòng, hết sức trấn tĩnh, lộ ra vẻ điềm đạm như thường, khiến thầy khỏi nghi ngờ.

Muốn biết rõ ngày xưa thầy hành động thế nào, Oanh Cơ lần về Nam Ðịnh, đến tòa sứ, hỏi những người bạn của thầy Thông, nhờ họ cho xem tập hồ sơ của cái án cũ Lê Trọng Việt. Xem tập án ấy, nàng mới hay lá đơn khiếu nại thầy đã làm hộ cho mẹ con nàng đại ý như sau này:

"Chúng tôi là Bùi Thị Lan, vợ góa của quan nguyên Lãnh binh Lê Văn Khúc và Nguyễn Oanh Cơ, nàng dâu thứ hai của vị cựu quan ấy, cúi đầu thành kính xin các quan Tòa đèn trời soi xét trông lại cho chúng con nhờ.

Nguyên hai tên Lê Mạnh Khôi và Lê Trọng Việt tức là con, anh chồng và chồng chúng con, gần đây lại can phạm vào vụ cướp ở làng Ngọc Chính Hạ. Tên đầu đang bọn cướp đó là Nguyễn Quán. có rủ rê người nhà chúng con làm việc phạm pháp, người nhà chúng con trót dại giúp đỡ quân phản nghịch, nhưng cúi xin các quan thương cho mà đừng bắt tội, bởi lẽ, nếu hai anh em Khôi và Việt bị tội, thì họ Lê chúng con sẽ tuyệt tự. Khôi và Việt còn mẹ già năm nay đã ngoài 50 lại có vợ dại con thơ không biết nàng tựa vào đâu, tình cảnh thực là bi thiết. Cúi xin các quan mở lượng hải hà, hết sức che chở bao dung cho, chúng con sẽ ngậm vành kết có, đội ơi các quan lớn vạn bội."

Một lá đơn như thế có bao giờ hai mẹ con nàng Oanh chịu ký tên ở dưới, nếu thầy Thông không đọc trại đi một cách khác, bảo rằng hai cậu ấm Lê không từng vào phe với đảng cướp bao giờ. Cứ theo lá đơn này, thì rõ ràng là, nàng Oanh và mẹ chồng nàng đã nhận rằng hai cậu ấm có đi ăn cướp thật, và kêu xin quan tòa ra tay tế độ, mở đường hiếu sinh cho. Nàng Oanh xem đến đấy, khí giận bốc lên ngùn ngụt nàng phải rút khăn lau mồ hôi trán đến bốn năm lần. Nàng lại giở xem nữa. Ðến đoạn lấy khẩu cung, nàng thấy chép bằng tiếng Pháp, mới mượn người dịch lại cho nghe. Khẩu cung của anh em Khôi, Việt mà chính thầy Thông hồi ấy đã dịch cho các quan tòa nghe, như sau này:

"Chúng tôi vì có điều tức giận nên đi theo đảng cướp. Nay đã làm nên tộI, chúng tôi không hối hận gì cả!"

Trời ôi! Có lẽ nào anh chồng và chồng nàng lại điên cuồng ngộ dại mà khai như vậy? Thực tình họ có đi theo đảng cướp bao giờ. Con ngời độc địa sâu cay làm sao. Thế mà ngoài mặt vẫn đạo mao nghiêm trang, nào ai dám bảo là một kẻ giết người không đao kiếm?

Sau khi ở Nam Ðịnh về Oanh Cơ viện hết lẽ này đến lẽ khác. không hề chung chạ gối chăn với thầy Thông nữa. Cho mãi tới ngày thầy được giấy quan trên cho thăng chức Tri Châu, và bổ đi Phong Thổ. Thầy đi trước, chỉ đem một ít hành lý, dặn nàng ở lại Bắc Kạn, rồi đem người nhà và đồ đạc theo sau. Trước khi lên đường, không hiểu tại sao, nàng cảm thấy một sự gì buồn buồn khó tả, tựa hồ báo trớc cho nàng biết, nàng sắp gặp những tai nạn bất ngờ. Rửa mặt, nàng ngửi nước thấy mùi tanh; ra cửa nàng bị vấp suýt ngã, rồi lại có con chó vàng đến kéo áo như muốn lôi nàng trở lại. Nàng ngồi ở đâu thì chỗ ấy có nhện đen sa. Thực là những điềm quái dị vô cùng. Nàng bèn thảo một phong thư di chúc trao cho cháu là Nguyễn Ðức Tiêu; đoạn, nàng tỏ bày nỗi oán hận cho cháu rõ và bảo chàng rằng:

- Cháu chịu khó giữ lấy thư này cho kín đáo cẩn thận lắm mới được! Khi nào em Quyên (con gái nàng) đúng 18 tuổi, bây giờ cháu sẽ kể sự tích cha nó thế nào cho nó nghe. Và cháu sẽ bảo nó nên theo đúng lời cô mà báo thù. Báo thế nào cho kẻ kia phải điêu linh, khổ sở, còn cũng như mất chứ đừng giết hại nó làm gì! Bởi giết nó, tức là gia ân cho nó đấy! Ði chuyến này, cô cảm thấy mệnh số cô hình như sắp hết; cô cháu ta sẽ cùng nhau vĩnh quyết nay mai! Trên đời này, cô không còn ai họ hàng thân thích cả, chỉ có cháu và em Quyên. Cô thường vẫn thương cháu như con, vậy một mai cô có mệnh hệ nào, cháu sẽ nghĩ tình, tận lực giúp em cho nó trả được thù, ấy là cháu đáp nghĩa cho cô đấy!

Nỗi lo ngại của nàng Oanh quả nhiên thành sự thực. Nàng đã bỏ con thơ cháu bé ở lại với cuộc đời tàn ác, để một mình lánh sang cõi thế bên kia. Câu chuyện sự tích nàng Oanh đến đây là dứt. Từ ngày nàng bị hổ tha vào bụi, thì cứ những đêm ma dầm gió bấc, những đêm u ám không trăng, trên quãng đèo Ô Quí Hồ lại văng vẳng có tiếng đàn ca não nuột, ai bạo gan xông xáo trong đêm khuya rừng vắng, thì thấy ba cái bóng ma ngồi đàn hát cho một con cọp lớn ngồi nghe. Quái trạng đó hiện chán ở đèo Ô Quí Hồ, thì lại quay về hiện ở Ðồng Giao tức chỗ ngày trước nó thường dùng làm nơi cơ sở. Ở đây, cũng như ở kia, chỉ là do một gốc tích mà xảy ra tình hình ghê rợn ấy. Nàng Oanh thác rồi, 15 năm sau, con gái nàng mới thay nàng báo thù cho cha là Lê Trọng Việt. Câu chuyện báo thù ấy, lại là một vấn đề khác, nó dài dòng lắm, và nó ly kỳ rùng rợn chẳng kém gì câu chuyện của Oanh Cơ. Con người độc nhất vô nhị được rõ nguồn gốc và kết quả sự báo phục ấy là tôi, bởi lẽ tình cờ và duyên số đã khiến tôi đóng một vai, một vai thụ động trong tấn kịch thương tâm chua xót ấy. Mà cũng vì có chân trong kịch, tâm tôi bị đeo một vết đau đớn thấm thía đến nay đã bốn mươi năm rồi, cũng vẫn chưa nguôi... Nhưng mà?... Bây giờ đêm sắp hết rồi, tôi không thể kể tiếp cho ông nghe được nữa! Mai khi chúng ta lên tới Chapa, trong những giờ rỗi rãi nhàn cả, tôi sẽ dần dần thuật một lượt để ông thởng thức!

Kìa! ông hút nữa đi chứ! Hút đi và tiêm cho tôi một điếu xem nào!

Cụ Trần Công Chất nói tới đây, ngừng lại, tôi nhìn cửa sổ trong phòng thấy ánh sáng nhờ nhờ đương xuyên qua luỗng kính...


Viết xong tại phố Nghĩa địa tây, trước cửa Nghĩa địa Sài Gòn ngày mùng bảy tháng tư năm Canh Thìn (13 Mai 1940)

Tác giả: TCHYA (Đái Đức Tuấn)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét